[Story 1] Điều gì đáng sợ hơn ung thư?


       Với nhiều gia đình ung thư là hai từ khủng khiếp, đối mặt với nó dường như là đối mặt với một biến cố cực kỳ lớn. Chỉ cần nghe tới hai từ đó là nhiều người đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho những việc không hay sắp xảy đến. Những việc không hay đó liệu đã phải là nỗi sợ hãi lớn nhất? Ung thư liệu đã phải là dấu chấm hết thực sự? Chưa đâu! Vẫn còn đó 1 nỗi sợ hãi còn khủng khiếp hơn...
       Từng ngồi với nhiều khách hàng là nghệ sĩ, Hiếu có quen một anh bạn kia là ca sĩ và vợ là nhân viên ngân hàng. Tuy còn trẻ nhưng hai người họ có thu nhập rất cao và được bạn bè trong giới vô cùng ngưỡng mộ. Kết hôn xong họ mua một chiếc xe ôtô mới, dù có hơi vượt quá khả năng nhưng họ lại quan tâm đến ánh mắt ngưỡng mộ của mọi người nhiều hơn nên vẫn quyết định chi tiền. Thời gian tân hôn hạnh phúc trôi qua, sau khi sinh đứa con thứ 2, họ càng làm việc chăm chỉ hơn.
"Anh à, con chúng ta lớn rồi, nó cần có phòng riêng. Em muốn đổi căn nhà rộng hơn, anh thấy thế nào?"
"Bây giờ giá nhà đất đang lên, muốn mua nhà thì phải vay tiền ngân hàng em ạ"


2 vợ chồng suy nghĩ hồi lâu rồi anh chồng quyết định:
"Cứ vay tiền đi, trước sau gì anh cũng dự định mua nhà. Đây cũng là một cách đầu tư mà."
Sau khi chuyển tới nhà mới rộng và đẹp, chị vợ lại gợi ý anh chồng phải trang hoàng thêm một số nội thất cao cấp cho căn nhà.
"Đồ dùng nhà mình đã 5 năm rồi, em rất muốn có một chiếc bàn ăn kiểu dáng châu Âu sang trọng để uống cafe. Anh ngồi trên chiếc sofa bọc da thật đọc báo sẽ thoải mái lắm đấy!"
"Thôi được, dù sao cũng đã vay tiền ngân hàng rồi, trang trí nhà như nào anh để em quyết định. Nhân dịp này anh cũng muốn đổi chiếc xe mới hơn một chút, đàn ông phải có xe đẹp mọi người mới đánh giá cao. Phải không nào?"
Chị vợ vô cùng vui mừng trước ý tưởng của chồng, khoác tay chồng đi mua sắm:
"Cảm giác như mình là người giàu có thật sự vậy. Thật là thích, anh thật là giỏi."
      Sau đó, họ bận rộn với việc tiếp đãi bạn bè đến thăm nhà mới. Để làm đẹp thêm cuộc sống của mình, họ mua toàn đồ xịn, thậm chí họ còn thích mua hàng qua mạng và qua truyền hình. Mọi người đều vô cùng ngạc nhiên trước những gì họ chi tiêu. Họ được mệnh danh là "đôi vợ chồng vừa thành đạt vừa hạnh phúc"
      Nhưng cuộc sống hạnh phúc đó không kéo dài được lâu, những khoản nợ, khoản trả góp và tiền nợ thẻ tín dụng mà họ dùng để tô vẽ cho hình tượng giàu có của mình đồng loạt đến hạn. Ngôi nhà họ mua thì lại không hề tăng giá, điều này làm 2 vợ chồng vô cùng lo lắng.
"Anh à, mình phải làm sao bây giờ, hôm nay ngân hàng gọi điện báo đã đến hạn phải trả tiền, mình phải trả một phần nợ gốc. Anh còn khoản tiết kiệm nào không?"


        Chị vợ biết rõ gia đình thu nhập và chi tiêu như nào vậy mà còn hỏi anh tiền tiết kiệm. Điều này khiến anh rất bực mình. Thời còn ở phong độ đỉnh cao của sự nghiệp, anh chồng có thu nhập rất khá từ việc đi hát, ba tháng một lần anh còn được trả thêm tiền bản quyền khi có ai đó muốn sử dụng những ca khúc của mình. Mặc dù chi tiêu cũng không phải quá hoang phí nhưng vì không có thói quen ghi chép và tích cóp nên nhìn lại, anh không thể biết tiền mình đã đi về đâu.
Bàn bạc một lúc, họ quyết định vay tiền từ bố mẹ chồng để ứng phó tạm với khó khăn, mọi chuyện tưởng như sắp được giải quyết thì chẳng bao lâu sau, gia đình anh chồng gặp chuyện.
"Con ơi, đến thẳng bệnh viện thành phố nhé, bố con đang nguy cấp."
      Điện thoại từ mẹ gọi cho anh chồng, thì ra bố anh bị ung thư phổi bấy lâu nay mà gia đình không cho anh biết. Khoản tiền hai vợ chồng anh vay cũng chuẩn bị phải trả lại bố mẹ để chi trả viện phí. Dù bố mẹ chưa đòi nhưng nhìn hóa đơn tiền điều trị lên đến cả trăm triệu, anh chồng cũng tự biết điều đó là không thể tránh khỏi.
Hai vợ chồng anh chạy ngay tới bệnh viện, nhìn thấy con trai mình, bố anh bắt đầu thở gấp.
"Bố mệt rồi đừng nói nữa bố ạ."
"Không sao, lấy cho bố chút nước..."
Chị vợ đứng sau nhanh tay rót nước đưa cho bố chồng mình.
"Con có biết nằm viện thế này bố buồn nhất là chuyện gì không? Tuy bố chỉ đau đớn về thể xác, nó cũng sẽ chấm dứt sớm thôi, nhưng mẹ con thì còn đau khổ rất lâu nữa, bố chẳng để lại được gì cho mẹ và các con, cứ nghĩ mẹ con tay trắng đối mặt với thế giới khốc liệt này, thì nỗi đau thể xác của bố chẳng thấm tháp vào đâu, con đừng có sống như bố nhé."
      Từ bé tới lớn, bố rất hay chỉ bảo cho anh chồng cách sống và suy nghĩ để trở thành người tốt. Nhưng tuyệt nhiên, kinh nghiệm về quản lý tài chính thì bố không giúp anh được gì. Thời đại của anh hiện giờ đã quá khác, lãi suất ngân hàng thấp và kinh tế suy thoái khiến những thói quen tiết kiệm như thời bố mẹ anh là chưa đủ để đảm bảo một cuộc sống thịnh vượng.


        Anh chồng để chị vợ lại nói chuyện với mẹ. Mình anh bước ra ngoài hành lang bệnh viện hút trộm điếu thuốc. Ngẫm lại, bố anh chẳng hề chi tiêu hoang phí như anh vậy mà về già vẫn không để dư được chút nào cho con cháu. Còn bao nhiêu tiền chi trả hết cho việc dưỡng già và bệnh tật, đó là còn có bảo hiểm y tế hỗ trợ, chứ nếu không thì không biết cơn bão tài chính này còn khủng khiếp tới mức nào nữa. Một cảm giác bất an bao trùm lên anh chồng.
Vừa toan đưa điếu thuốc lên miệng thì có giọng nói lạ cất lên.
"Ở đây không được hút thuốc lá đâu Phúc."
      Nếu là nhân viên bệnh viện hay bảo vệ thì không thể biết tên anh được, anh chồng thắc mắc quay lại. Nhìn một lúc, anh nhận ra người nhắc nhở anh chính là giáo sư Tâm, người đã dạy anh môn kinh tế tài chính ở nhạc viện.
"Trời, em chào giáo sư, lâu quá rồi em mới được gặp giáo sư. Sao giáo sư lại có mặt ở đây ạ?"
"Chào cậu, nhìn cậu vẫn trẻ như hồi còn ở nhạc viện. Tôi nhận ra ngay."
"Dạ vâng, em cám ơn giáo sư."
"Tôi đi thăm người ốm. Tội nghiệp, đã vào đến đây tức là hết cách cứu chữa rồi. À xin lỗi, cậu cũng đến thăm ai ở đây à?"
"Dạ vâng giáo sư, bố em bị ung thư phổi, điều trị ở đây giáo sư ạ."
"Vậy ah, bố cậu có mua bảo hiểm ung thư hay nhân mạng gì không?"
"Trời, đúng là giáo sư tài chính, câu hỏi thăm cũng khác mọi người. Bố em chỉ có bảo hiểm y tế thôi nên cũng chẳng thấm vào đâu so với tiền xạ trị giáo sư ạ."

       Anh chồng chia sẻ sự tình của mình với giáo sư thêm một lúc. Anh không quên xin số điện thoại và quay trở lại phòng bệnh của bố mình. Quay lưng bước đi mà anh không hề biết rằng, chỉ vài ngày nữa thôi, chính vị giáo sư đáng kính này sẽ là người kéo anh ra khỏi vũng bùn tài chính đang từng ngày nuốt chửng gia đình anh.

      Các bạn có muốn biết giáo sư sẽ giúp anh chồng thoát khỏi nợ nần như nào không? Tương lai thịnh vượng có gõ cửa gia đình anh không? Câu chuyện sẽ tiếp tục vào tuần sau.

Trung Hiếu, ngày 29 tháng 1 năm 2016 (minh họa hình vẽ tác giả Hiroyuki Izutsu)
Previous
Next Post »